Ngày 19/05/2018, trường ĐH Khoa học tổ chức cuộc thi diễn thuyết “Truyền cảm hứng trong nghiên cứu khoa học” chào mừng ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam. Khoa Hóa học với đại diện là giảng viên Nguyễn Thị Thu Thúy tham gia Hội thi đã đạt giải nhì. Bài diễn thuyết đã nhận được nhiều lời khen của Hội đồng Ban giám khảo. Khoa Hóa xin học gửi tới các đồng nghiệp, các sinh viên bài diễn thuyết này bởi đây cũng là tiếng nói chung của những người làm nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học (NCKH) phải xuất phát từ niềm đam mê và cần được tôi luyện, thử thách cùng thời gian. Nếu ai biết nuôi dưỡng niềm đam mê thì người đó sẽ chiến thắng và chinh phục được đỉnh cao của tri thức nhân loại. Đó là tâm niệm và khát khao của biết bao tài năng trẻ, trong đó có tôi, một giảng viên Khoa Hóa học trường Đại học Khoa học
Đối với ngành hóa học nghiên cứu khoa học mang những nét đặc trưng riêng bởi đây là một ngành khoa học thực nghiệm, đòi hỏi người nghiên cứu phải tiếp xúc với hóa chất, với dụng cụ thí nghiệm với các máy móc kỹ thuật đo. Với tôi niềm đam mê với ngành hóa có lẽ bắt đầu từ khá sớm. Đó là những năm tháng phổ thông khi lần đầu tiên học môn hóa, sự ấn tượng, thu hút trong cách giảng bài của các thầy cô giáo với các nguyên tố, phân tử, các phương trình phản ứng hóa học, nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc hơn cả đó là buổi đầu tiên khi tôi bước chân vào phòng thí nghiệm. Mọi thứ quá mới mẻ với tôi. Những dụng cụ thủy tinh nhỏ xinh, sáng bóng được xếp gọn gàng trên giá thí nghiệm. Mùi hóa chất khá nồng và hắc, làm cho tôi cảm thấy hơi khó chịu. Nhưng rồi mọi thứ đều tan biến và thay vào đó là sự ngạc nhiên, thích thú khi được tự tay làm các thí nghiệm đơn giản. Khi được nhìn những hạt bọt li ti trên bề mặt viên kẽm của phản ứng kẽm với axit. Hay sự biến đổi màu thần kì khi nhỏ phenophtalein vào dung dịch NaOH, màu hồng thật đẹp như những bông hoa sen; còn rất nhiều những màu sắc khác như màu xanh của dung dịch muối đồng; màu tím của dung dịch kalipemaganat, …. Rồi cả bọn học sinh chúng tôi ồ lên, trầm trồ thích thú xen lẫn tò mò khi nhỏ axit sunfuric vào đường, quan sát sản phẩm tạo ra như một con quái vật đen xì chui ra khỏi cốc..
Cứ thế niềm say mê, yêu thích môn hóa, yêu thích sự nghiên cứu đến với tôi ngày càng lớn. Và rồi chính niềm say mê đó đã khiến tôi theo đuổi ngành mình yêu thích. Đến khi tốt nghiệp đại học có rất nhiều công việc cho tôi lựa chọn, nhưng lúc đó trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất đó là làm giảng viên. Bởi tôi nghĩ khi là một giảng viên tôi có thể sống và làm việc với niềm đam mê NCKH của mình. Và đến bây giờ tôi thấy sự lựa chọn của mình hoàn toàn đúng.
Làm NCKH là chấp nhận vất vả khó khăn, nhưng đối với phụ nữ lại càng vất vả hơn. Để có được những công trình nghiên cứu thành công, tôi đã phải nỗ lực và sắp xếp thời gian một cách khoa học để vừa hoàn thành tốt công tác giảng dạy, chăm sóc gia đình và NCKH ở trường, vừa theo học chương trình sau đại học; các hoạt động đào tạo, công đoàn, đoàn thể khác.
Trong ngành hóa học có rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Mỗi lĩnh vực đều có những khó khăn và thú vị riêng. Như lĩnh vực chế tạo vật liệu của ngành hóa vô cơ mà các cô giáo Quý, cô Linh khoa tôi đang theo đuổi đã đạt được nhiều ứng dụng như chế tạo các vật liệu hấp phụ từ các nguyên liệu tự nhiên như bã caffe, trấu, rơm rạ. Hay nổi bật hơn cả là thầy Chính trưởng khoa tôi với lĩnh vực hợp chất thiên nhiên, đã gặt hái được rất nhiều thành công từ niềm say mê NCKH của mình, đưa ra được các sản phẩm như tinh dầu xả, chanh, bột tắm dược liệu được người tiêu dùng tin cậy và yêu thích.
Còn riêng đối với tôi, lĩnh vực Phân tích môi trường lại là niềm đam mê hơn cả. Bởi có lẽ vấn đề ô nhiêm môi trường đối với xã hội chưa bao giờ hết nóng. Cũng vì những trăn trở, lo lắng đó nên tôi và nhóm nghiên cứu của mình lựa chọn hướng nghiên cứu là: Phân tích và đánh giá các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (còn gọi là chất POP) phát thải từ các hoạt động công nghiệp. Đây là một hướng nghiên cứu khá mới ở Việt Nam. Có rất ít công trình nghiên cứu về các hợp chất này. Các hợp chất hữu cơ khó phân hủy được biết đến như thuốc trừ sâu; thuốc diệt cỏ, dioxin, các hợp chất giống dioxin như clorobenzen, biphenyl benzen.
Khi nói đến dioxin hay thuốc trừ sâu thì mọi người đều biết đến mức độ độc hại của chúng như thế nào. Tuy nhiên hầu hết chúng ta chỉ biết đến nguồn phát thải trực tiếp của các chất này như dioxin còn lại do tàn dư của chiến tranh. Hay việc sử dụng trực tiếp thuốc trừ sâu, diệt cỏ của bà con nông dẫn dẫn đến sự ô nhiễm. Đó được gọi là nguồn phát thải trực tiếp. Điểm mới của hướng nghiên cứu này đó là đánh giá tìm nguồn phát thải các chất một cách không chủ định. Có nghĩa là nguồn nguyên liệu đầu vào của các nhà máy công nghiệp, các khu xử lý rác có thể không chứa các chất độc hại, nhưng trong các lò sản xuất với nhiệt độ cao, các phản ứng tổng hợp có thể xảy ra tạo thành các sản phẩm như dioxin/furan, hợp chất clorobenzen. Các chất này có thể tồn tại trong khí thải lò đốt, trong các tro bụi và xỉ thải, nước thải của nhà máy. Chúng có thể phát thải vào môi trường mà con người không hề biết.
Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi và nhóm nghiên cứu đã gặp không ít khó khăn từ hóa chất đến cơ sở vật chất của phòng thí nghiệm. Khả năng ngoại ngữ cũng là một rào cản. Khi mới tiếp xúc với các tài liệu NCKH bằng tiếng Anh, tôi đã phải mất nhiều thời gian để tìm cách đọc sao cho hiệu quả nhất và liên tục tự trau dồi kiên thức. Càng đọc tôi càng cảm thấy sự hiểu biết của mình vẫn còn quá nhỏ bé, thấy mình còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Rồi khi bắt tay thực hiện nghiên cứu, để xây dựng một quy trình phân tích các chất hữu cơ ở lượng vết đòi hỏi rất nhiều bước, thí nghiệm phải lặp lại nhiều lần, kết quả có khi không ổn định, cả nhóm phải thường xuyên ở phòng thí nghiệm từ sáng đến tối muộn. Nhiều lúc tôi cảm thấy mất hi vọng, muốn bỏ cuộc, nhưng rồi niềm say mê và những kết quả đạt được khiến tôi quên hết những vất vả, mệt mỏi.
Nhưng có lẽ điều khó khăn nhất của người làm phân tích môi trường đó là đi lấy mẫu thực tế. Có khi chúng tôi phải mất cả tháng trời mới xin được các thủ tục để vào nhà máy lấy mẫu. Những ngày đi lấy mẫu, trời nắng nóng như đổ lửa mà ống khói nhà máy thì cao vút, vậy mà chúng tôi vẫn miệt mài làm việc. và nghĩ chỉ cần lấy được mẫu là vui lắm rồi. Nhà máy nào tạo điều kiện thì không sao, nhưng cũng có những nhà máy khi chúng tôi đến lắp xong hết dụng cụ thì lò ngừng sản xuất, vậy là hôm đó chúng tôi lại về không. Nhưng như thế vẫn không là gì so với những lần lấy mẫu ở khu rác thải. Cả núi rác chất cao ngất, mùi hôi bay ra nồng nặc nhưng cả nhóm vẫn cười tươi sung sướng vì lấy được mẫu để phân tích.
Chúng tôi hay trêu đùa nhau rằng: Niềm đam mê của người ta toàn cao sang còn mình thì toàn tro với rác. Quả thật nếu không phải vì đam mê với NCKH, say mê với nghề thì có lẽ chúng tôi đã bỏ cuộc.
Và rồi những khó khăn vất vả của chúng tôi cũng đã được đền bù bằng những bài báo được đăng trong các hội nghị, trong các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Dù số lượng các bài báo còn hạn chế, nhưng là động lực lớn để tôi phấn đấu nghiên cứu nhiều hơn nữa, góp phần nhỏ bé công sức của mình cho xã hội.
Không chỉ có hoài bão NCKH mà bản thân tôi rất mong muốn sẽ có nhiều bạn trẻ, SV theo đuổi đam mê đến với công tác này bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tham gia nhóm nghiên cứu và các cuộc thi từ thời sinh viên, tìm các học bổng về NCKH trong và ngoài nước. Việc này sẽ giúp các bạn phát triển kỹ năng sau khi tốt nghiệp, tìm kiếm thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình. Đặc biệt sẽ là nền tảng vững chắc nếu các bạn theo đuổi con đường khoa học trong tương lai, đóng góp cho sự phát triển của đất nước có nhiều hình thức khác nhau. Trong đó NCKH là một con đường đòi hỏi các bạn phải có tâm, trung thực, niềm đam mê, không gục ngã trước những khó khăn và thất bại. Bản thân tôi luôn tâm niệm một điều: “không gì là không thể, khi làm với niềm đam mê”
Qua phần thuyết trình này tôi hy vọng có thể góp phần thắp sáng ngọn lửa đam mê NCKH cho các bạn trẻ, các bạn sinh viên. Và cũng là cho tôi cơ hội để trải lòng về những vui buồn trong quá trình nghiên cứu của mình
Xin chân thành cảm ơn sự lắng nghe của Ban giám khảo và các thầy cô!